Pháp môn an tâm

của Tổ Bồ-đề-đạt-ma
Pháp môn an tâm
Khi mê thì Người đuổi theo Pháp (còn pháp chấp), lúc ngộ thì Pháp đuổi theo Người (hết pháp chấp) ; mê thì Sắc-thân làm chủ Tâm-thức, ngộ thì Tâm-thức làm chủ Sắc-thân, hễ có khởi Tâm phân biệt so đo cái hiện lượng của Tâm-thức thì đều như mộng huyễn, nếu Tâm-thức tịch diệt, chẳng còn chỗ mống khởi, gọi là Chánh-giác.
Hỏi : Thế nào là hiện-lượng của Tâm-thức ?
Đáp : Thấy tất cả pháp Có, Có chẳng tự Có, do Tự-tâm chấp thật thành Có ; thấy tất cả pháp Không, Không chẳng tự Không, do Tự-tâm chấp thật thành Không, cho đến bất cứ pháp nào cũng vậy, đều do tự tâm chấp Có chấp Không mà thành.
Nếu tạo tất cả tội mà người ấy tự thấy được Pháp-vương của mình (Kiến-tánh triệt để) thì liền được giải thoát. Nếu ở nơi Sự được ngộ thì sức dụng mạnh hơn, nơi Sự mà thấy được Pháp-tánh (tự tánh) thì bất cứ ở chỗ nào đều chẳng mất Chánh-niệm, nơi Văn-tự được ngộ thì sức dụng yếu kém. Sự tức là Pháp, Pháp tức là Sự, Sự và Pháp chẳng hai chẳng khác, dẫu cho người chạy nhảy nhào lộn, đủ thứ vận dụng đều chẳng ra ngoài phạm vi của Pháp-giới. Nếu đem Pháp-giới để nhập Pháp-giới, ấy là kẻ ngu si, bất cứ làm việc gì đều chẳng ra ngoài Pháp-giới tâm, tại sao? Vì Tâm-thể tức là Pháp giới vậy.
Hỏi : Người thế gian đủ thứ tu học, tại sao chẳng đắc Đạo ?
Đáp : Vì thấy có Ta nên chẳng đắc Đạo. Ta tức là Ngã. Bậc Thánh gặp khổ chẳng lo, gặp vui chẳng mừng, vì chẳng thấy có Ta, nên chẳng biết khổ vui, vì quên mình nên mới được đến chỗ hư vô, Ta còn tự quên thì đâu còn sự vật nào mà chẳng quên ?
Hỏi : Pháp đã là Không thì còn ai tu Đạo ?
Đáp : Có “Ai” mới cần tu Đạo, nếu không có “Ai” thì chẳng cầu tu Đạo. Cái Ai này chính là Ngã, nếu không chấp Ngã thì gặp sự vật gì đều chẳng sanh tâm phải quấy, phải do ta tự phải mà sự vật chẳng phải, quấy do ta tự quấy mà sự vật chẳng quấy, nơi tâm vô tâm, ấy gọi là thông đạt Phật-đạo. Nơi vật mà chẳng khởi tri-kiến gọi là đạt Đạo. Hễ gặp sự vật nào cũng liễu đạt nguồn gốc của nó thì người ấy được khai mở Huệ-nhãn.
Người Trí tùy sự vật mà chẳng tùy Tự-kỷ (hết ngã chấp) nên chẳng có thuận nghịch lấy bỏ, kẻ ngu tùy Tự-kỷ (còn ngã chấp) chẳng tùy sự vật nên có thuận nghịch lấy bỏ. Chẳng thấy một vật gọi là Kiến-đạo (thấy vật chẳng chấp thật cũng như chẳng thấy), chẳng hành một vật gọi là Hành-đạo, ở tất cả nơi chẳng có nơi (ở tất cả nơi chẳng chấp thật cũng như chẳng nơi), ngay khi làm mà chẳng có năng làm, chẳng có sở làm, tức là thấy Phật. Lúc thấy có tất cả tướng tức là có cái kiến chấp để chấp tướng nên bị đọa Địa-ngục, do chiếu soi thấu triệt Pháp-tánh nên được giải thoát. Hễ có sự tưởng nhớ phân biệt, ấy đều là những việc của bên chảo dầu sôi, lò lửa than, liền hiện tướng sanh-tử. Nếu thấy Pháp-giới-tánh (tức là thấy tự-tánh, cũng gọi là Niết-bàn-tánh) chẳng có sự tưởng nhớ phân biệt tức là Pháp-giới-tánh.
Vì Tâm chẳng phải Sắc (vật chất) nên Phi-hữu, thường Dụng mà chẳng gián đoạn nên Phi-vô, Dụng mà thường Không nên Phi-hữu, Không mà thường dụng nên Phi-vô (chữ Phi ở đây là công cụ để phá chấp, không được cho là chẳng phải).

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông phong tàng thư