Ôm nghi chờ ngộ

Ôm nghi chờ ngộ

ÔM CÂY ĐỢI THỎ

Một người nước Tống đang cày ruộng. Giữa ruộng có một cây to. Có con thỏ đồng ở đâu chạy lại, đâm vào gốc cây, đập đầu chết. Người cày ruộng thấy thế, bỏ cày, vội chạy đi bắt thỏ. Đoạn, cứ ngồi khư khư gốc cây, mong lại được thỏ nữa. Nhưng đợi mãi chẳng thấy thỏ đâu, lại mất một buổi cày. 

 

ĐÁNH DẤU THUYỀN TÌM GƯƠM

Có người nước Sở đi đò qua sông. Khi ngồi đò, vô ý đánh rơi thanh gươm xuống sông. Anh ta vội vàng đánh dấu vào mạn thuyền, nói rằng: "Gươm ta rơi ở chỗ nầy đây".

Lúc thuyền đỗ vào bến, anh ta cứ theo chỗ đánh dấu, lặn xuống nước tìm gươm. Thuyền đã đi đến bến, chớ gươm rơi đâu thì vẫn ở đấy, có theo thuyền mà đi đâu ? 

 

TÀI NGHỆ CON LỪA

Đất Kiểm xưa nay vốn không có lừa. Có người hiếu sự, tải một ít lừa đến đấy nuôi. Lừa thả ở dưới chân núi. Buổi đầu, hổ trong núi ra, trông thấy lừa, cao lớn, lực lưỡng tưởng là loài thần vật mới giáng, lại thấy lừa kêu to, hổ sợ quá, cong đuôi chạy. Dần dần về sau hổ nghe quen tiếng, thấy lúc nào lừa kêu cũng thế lấy làm khinh thường. Một hôm, hổ thử vờn, nhảy xông vào đầu lừa. Lừa giận quá, giơ chân đá, đá đi đá lại quanh quẩn chỉ có một ngón đá mà thôi. Hổ thấy vậy, mừng bụng bảo dạ rằng: “Tài nghệ con lừa ra chỉ có thế mà thôi!” Rồi hổ gầm thét chồm lên, vồ lừa, cấu lừa, cắn lừa, ăn thịt lừa đoạn rồi đi.

 

TRUYỆN ĐƯỜI ƯƠI

Ở núi Phong Khê đất Thục có giống Đười Ươi, mặt như mặt người, biết cười, biết nói. Máu nó dùng để nhuộm màu, không bao giờ phai, nên người ta lừa bắt nó.

Tính đười ươi thích uống rượu, thích đi guốc. Người ta biết thế, đem rượu và guốc ra bày la liệt ở quãng đồng không, rồi đi nấp một chỗ. Đười Ươi ngửi hơi rượu, kéo nhau ra thấy rượu, thấy guốc, biết rằng dụ mình bèn chửi rủa người lập đánh bẫy và nói thậm tệ đến cả ông cha người ấy. Đoạn bảo nhau đi, lẩm nhẩm nói chớ có mắc mưu cái loài khốn nạn chực hại mình... Song đã đi mà vẫn ngoảnh lại, rồi bảo nhau: "Ta thử nếm xem tưởng không hại gì".

Tay chấm miệng mút, bén mùi làm mãi, thành say sưa mờ mịt, quên cả lời khôn, lẽ phải bấy lâu giữ gìn, chếnh choáng nghiêng ngả, nói nói, cười cười, chân đưa vào guốc thất thểu đi...

Người nấp bấy giờ đổ ra thì Đười Ươi lảo đảo chạy, con ngã nghiêng, con ngã ngửa, người ta bắt sạch không sót con nào.

 

VẼ GÌ KHÓ ?

Có người thợ vẽ, vẽ cho vua nước Tề mấy bức tranh.

Vua hỏi: Vẽ cái gì khó ?

Thưa : Vẽ chó, vẽ ngựa khó.

- Vẽ gì dễ ?

- Vẽ ma vẽ quỷ dễ.

- Sao lại thế ?

- Chó ngựa ai cũng trông thấy, vẽ mà không giống, thì người ta chê cười, cho nên khó vẽ. Ma quỷ là giống vô hình, không ai trông thấy, tùy ý muốn vẽ thế nào cũng được, không sợ ai bẻ, cho nên dễ vẽ.

 

NUÔI GÀ CHỌI

Vua Tuyên Vương sai Kỷ Sảnh nuôi một con gà chọi. Được mười hôm, vua hỏi : Gà đã đem chọi được chưa ?

Kỷ Sảnh thưa : Chưa được, gà hăng lắm, chưa thấy gà khác đã muốn chọi rồi.

Cách mười hôm, vua hỏi: Gà đã đem chọi được chưa ?

Kỷ Sảnh thưa : Chưa được, gà còn hăng, mới thấy bóng gà khác đã muốn chọi rồi.

Cách mười hôm, vua lại hỏi: Gà đã chọi được chưa ?

Kỷ Sảnh thưa : Chưa được, gà còn hơi hăng, trông thấy gà khác đã muốn chọi rồi.

Mười hôm sau, vua lại hỏi: Gà đã đem chọi được chưa ?

Kỷ Sảnh thưa : Được rồi, gà bây giờ cho nghe thấy tiếng gà khác cũng không cho vào đâu. Trông thì tựa như gà gỗ, mà thực thì đủ các ngòn hay. Gà khác coi cũng đủ sợ,

 

BỆNH QUÊN

Nước Tống có anh đứng tuổi, tự nhiên mắc phải bệnh quên; buổi sáng lấy gì của ai, buổi chiều đã quên; ngày nay cho ai cái gì, ngày mai đã quên; ra đường quên cả đi, ở nhà quên cả ngồi, trước có làm những gì, bây giờ quên hết, bây giờ đang làm gì thì sau này cũng quên hết. Cả nhà anh lấy làm lo. Xem bói không tốt, đi cúng không đỡ, đón thầy thuốc chữa cũng không khỏi.

Sau có ông đồ người nước Lỗ đến xin khám, nói rằng chữa được. Vợ người có bệnh hứa với ông đồ hễ chữa khỏi thì chia cho nửa cơ nghiệp. Ông đồ nói :

- Bệnh này bói không ra được, cũng không khỏi được, thuốc không chữa được. Nay tôi thử hóa cái tâm tính, biến cái trí lự của anh ta, may mà khỏi chăng.

Nói đoạn ông đồ liền sai lột áo để cho rét, thì thấy anh ta xin áo, sai cấm ăn để cho đói thì thấy anh ta xin ăn, sai đem vào chỗ tối thì thấy anh ta xin ra chỗ sáng. Ông đồ hớn hở bảo con anh ta rằng:

- Bệnh chữa được, song môn thuốc của tôi bí truyền không thể nói cho ai biết. Rồi ông đuổi cả người chung quanh đi, chỉ một mình ông với người có bệnh trong bảy ngày. Chẳng ai biết ông đồ chữa chạy thế nào mà cái bệnh lâu năm thế một sớm khỏi phăng ! Khi anh có bệnh đã tỉnh như thường, anh liền nổi cơn giận, chửi vợ đánh con, cầm giáo đuổi ông đồ.

Người ta bắt anh hỏi, vì cớ gì mà anh giận như vậy thì anh ta nói:

- Lúc trước ta có bệnh quên thì trong lòng ta thản nhiên khoan khoái, trời đất có hay không ta cũng chẳng biết. Nay ta hết bệnh, ta nhớ lại cả những việc vài mươi năm về trước, việc còn, việc mất, việc được, việc hỏng, việc thương, việc vui, việc yêu, việc ghét, trong lòng lại muôn mối ngổn ngang bời bời nổi lên vậy. Ta e sau này những việc còn mất, được hỏng, thương vui, yêu ghét ấy cứ vướng vít trong lòng ta mãi mãi thì bấy giờ dù muốn quên cả đi một phút, một lát liệu còn có được nữa chăng ?.
 

BỆNH MÊ

Nước Tần có con nhà học Bàng, lúc nhỏ thông minh khôn ngoan sớm, đến lúc lớn tự nhiên mắc phải bệnh mê, nghe hát cho là khóc, trông trắng hóa ra đen, ngửi thơm cho là thối, ăn ngọt cho là đắng. Tính hạnh anh dở mà cứ cho là phải, bao nhiêu những cái anh ta nghĩ đến, trời đất, bốn phương, nước, lửa, nóng, rét, không cái gì là không đảo ngược sai lầm cả.

Có người bảo cha anh rằng: Bậc quân tử nước Lỗ có lắm thuật, nhiều nghề họa may chữa được chăng, sao không đưa đi mà hỏi.

Người cha sang nước Lỗ. Khi qua nước Trần gặp ông Lão Đam, nhân nói chuyện chứng bệnh của con.

Lão Đam nói: Nhà ngươi há biết được cái bệnh mê của con nhà ngươi đâu. Nay thiên hạ ai ai cũng ù ờ phải trái, mờ mịt về lợi hại, kẻ mắc phải bệnh mê như con nhà ngươi rất nhiều, chẳng có ai tỉnh cả. Vả lại, một mình mê không đủ làm lụy một nhà, một nhà mê không đủ làm lụy một nước, một nước mê không đủ làm lụy cả thiên hạ. Thiên hạ ai ai cũng mê cả thì còn ai làm lụy ai được nữa ?.

Giả sử thiên hạ ai cũng mê như con nhà ngươi mà chỉ nhà ngươi muốn chữa bệnh mê, thế thì chính nhà ngươi lại hóa ra mê mất.

Ở đời những sự thương, vui, lẽ phải trái, những cái mắt trông, tai nghe, mồm nếm, mũi ngửi, ai nấy là người chắc cứ cho như thế mới là phải. Này ngay như lời nói ta đây, vị tất đã khỏi mê, huống chí người quân tử nước Lỗ lại là người quá ư mê thì chữa sao được bệnh mê của con người ? Nhà ngươi đem bao nhiêu tiền đi tìm thầy chữa chạy chẳng bằng nghe ta trở về ngay còn hơn.
 

MẤT DÊ

Người láng giềng nhà Dương Chu mất một con dê, đã sai hết cả người nhà đi tìm, lại sang nói với Dương Chu mượn người nhà cho đi tìm hộ.

Dương Chu nói: Ôi! Sao có mất một con dê mà cho những bao nhiêu người đi tìm ? Người láng giềng đáp: Vì đường có lắm “ngã ba”.

Khi các người đi tìm dê đã về, Dương Chu hỏi:

- Có tìm thấy dê không ?

Người láng giềng đáp:

- Không.

- Sao lại không tìm thấy ?

- Tại đường đã lắm ngã ba, theo các ngã ba đi một chốc lại có nhiều ngã ba khác. Thành không biết đi vào đường nào để tìm thấy dê, phải chịu về không cả.

 

ĐÂY MỚI THẬT LÀ THẦY

Từ Tuân Minh, người ở Hoa Âm, thân thể to lớn, mồ côi từ thuở nhỏ, tính hiếu học, mười bảy tuổi theo Mao Linh Hòa sang học Vương Thông ở Sơn Đông. Học một năm thì từ biệt. Rồi sang Yên, Triệu lại học ông Trương Ngô Quý. Học trò ông Ngô Quý rất đông. Tuân Minh dụng tâm học vài tháng sau nói chuyện riêng với bạn học rằng:

- Thầy ta đây danh tiếng lẫy lừng, song nghĩa lý không được quán triệt. Phàm những câu ngoài giảng thuyết, phần nhiều nghe chẳng được thỏa tâm ta. Ta muốn tìm thầy khác.

Rồi bèn cùng Điền Mãnh Lược sang Phạm Dương thụ nghiệp ông Tôn Mãi Đức. Nhưng học vừa được một năm, lại muốn bỏ đi, Lược bảo Tuân Minh rằng:

Anh tuổi còn trẻ, theo thầy học hành, chẳng chịu chuyên học một thầy, cứ nay thầy này, mai thầy khác, nay đến tìm, mai bỏ đi, nghìn dặm xa xôi, sách vở mang cắp, học hành như vậy sợ không thành được.

Tuân Minh nói: Ta nay mới biết chỗ ở của ông thầy đích thật là ông thầy. Mãnh Lược hỏi: Ở đâu ? Tuân Minh chỉ vào “tâm” nói : Đây, chính ở chỗ này.

Rồi tự bấy giờ Tuân Minh học lấy một mình, hết sức tham cứu, sáu năm không ra khỏi nhà. Khi mỏi mệt thường đàn địch để di dưỡng tình hình. Sau thành một bậc đại hiền.
 

CƠ TÂM

Thầy Tử Cống đi qua đất Hán Âm thấy một ông lão làm vườn đang xuống giếng gánh từng thùng nước, đem lên tưới rau.

Thầy Tử Cống nói: Kia có cái máy một ngày tưới được hàng trăm khu đất, sức dùng ít mà công hiệu nhiều. Cái máy ấy đằng sau nặng, đằng trước nhẹ, đem nước lên rất dễ và tên gọi là “máy lấy nước”.

Ông lão làm vườn nói: Máy tức là cơ giới, kẻ có cơ giới tất có cơ sự, kẻ có cơ sự tất có cơ tâm. Ta đây có phải không biết cái máy ấy đâu, chỉ nghĩ xấu hổ mà không muốn dùng vậy. 

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Trích trong sách "Cổ học tinh hoa"